Cây xanh, đồng xanh ở Bali

07/05/2022

Nói đến đảo ngọc Bali, người ta thường nhắc đến những bãi biển xanh ngăn ngắt; nơi này sóng chồm cao, dập dìu nam thanh nữ tú lướt ván cỡi thuyền; chỗ kia trong vắt, tài tử giai nhân quẳng tay bơi lội… Nhưng, nếu chỉ vậy Bali chưa đủ để là thiên đường du lịch. Bali còn rất nhiều nét duyên khác, về văn hoá, tôn giáo, con người… Và cả sự cuốn hút của những màu xanh đẹp dung dị.
cayxanh-dongxanh
Du khách làm nông dân Bali trong… giây phút.

Nói nào ngay, những bãi biển ở Bali không thể so sánh được với những Đầm Trầu (Côn Đảo), Bãi Sau (Phú Quốc), Mũi Né (Phan Thiết)… Đánh giá này không là chủ quan của người viết. Hỏi tất cả những lữ khách, cả Tây lẫn ta, từng dọc ngang qua những địa danh này, hầu như bạn sẽ nhận được câu trả lời tương tự. Nhưng, lượng du khách hàng năm đến Bali hiện đã trên 13 triệu lượt, với xấp xỉ 3 triệu lượt khách quốc tế. So sánh với chỉ tiêu 7,2 triệu khách quốc tế của một đất nước với 3.200km bờ biển, 2.800 đảo, cồn lớn nhỏ mới thấy nhói lòng làm sao!

Những dịch vụ đơn sơ theo lưng núi

Tôi đi Bali cũng được mấy bận. Cũng hiểu ít nhiều nguyên nhân sự cách biệt của những con số trên. Và càng lúc càng “khám phá” thêm những điều hay ho mới. Buổi tối đó, lê la “con đường bar” Legian, tán dóc với nhóm sinh viên Úc, tôi quyết định mai sẽ đi Tegalalang, điểm đến mà những lần trước tôi đã “chê”.

Tegalalang chỉ là một làng nhỏ, trồng lúa là chính. Điểm thu hút chỉ là những cánh đồng bậc thang; mà tôi đã lê lết, đã mê mệt bao lần với những Tú Lệ, Mù Căng Chải… nên tôi “chê”. Giờ, đến nơi, cảm nhận của tôi với những cánh đồng Tây Bắc vẫn không đổi. Chỉ phục thêm cách làm du lịch, sự hồn hậu mến khách của người Bali.

Những cánh đồng bậc thang ở Tegalalang nằm trên sườn núi của thung lũng nhỏ dài hơn cây số. Sát đường cái, nơi lúc nào cũng có hàng dài chừng ấy cây số những chiếc xe chở du khách đến ngoạn cảnh. Không thênh thang mênh mang như những cánh đồng Tây Bắc, Tegalalang bé xinh được tô điểm thêm những hàng dừa đòng đưa. Không trải dài chạy cuối chân trời, những nương ruộng Tegalalang bé xíu, có dải ruộng ôm sát sườn núi bề ngang chỉ hơn gang tay vẫn được cấy trồng cẩn thận. Có thêm vài mái tranh vàng, đôi hàng bông đỏ làm điểm nhấn cho đồng xanh… du khách tíu tít chụp hình. Nếu có vậy, du khách cũng đến chụp vài tấm hình, rồi đi, ở chi cho lâu?

cayxanh-dongxanh-1
Cây xanh rợp bóng trên đường phố ở Bali

Không đâu, trước tiên là du khách sẽ được nhắc khéo là tuy nhìn ở đây đẹp vậy nhưng đẹp nhất là ở sườn núi cao bên kia kìa. Thế là tụt xuống thung lũng, leo lên sườn bên kia chụp ít nhất một tấm về còn khoe. Leo xuống leo lên mệt mỏi, đã có nguyên một dãy hàng quán dạng sinh thái, nhà đất mái tranh ôm sát triền núi cho khách nghỉ chân hớp ngụm nước dừa mát lạnh hay hớp Bintang óng ánh thơm nồng. Dễ thương hơn là nếu khách không uống nước vẫn có thể nghỉ chân với nụ cười chào tươi rói của mấy cô chủ mặn mòi. Thi thoảng lại nhổm dậy chạy ra chụp hình khi những phụ nữ gánh gồng đi qua, hay những chú trâu béo mọng đủng đỉnh theo chủ ra đồng… Vì những cảnh này ở Âu Mỹ làm gì có! Nhất là với những cô sơn cước luôn vui tươi chụp hình cùng khách. Trao cả sợi dây dắt trâu, nón lá hay cả quang gánh để khách thử làm người Bali trong mấy phút. Rồi những ông lão, cậu bé bán những chiếc nón, con giống tết bằng lá dừa vừa bán vừa sẵn lòng chỉ cho ai đó tò mò cách quấn, xếp lá làm sao… Những dịch vụ bình dị, như không là dịch vụ, thêm bao nhiêu điểm cho cánh đồng đơn sơ Tegalalang, để du khách nườm nượp ghé. Có riêng một người thở dài, tiếc cho những cánh đồng bậc thang đẹp ngời ngợi nơi quê nhà giờ vẫn chìm sâu trong giấc nồng, chờ người đánh thức. Mà có ai?

Những cây dù xanh bên đường nhựa

Rời Tagalalang, tôi dong xe về Ubud, miền quê xanh đồng rất được mến yêu của Bali. Trên những dặm đường, sao những vòm xanh cứ ôm che suốt con đường, nhìn kỹ mới thấy lạ. Vì tôi chưa bao giờ thấy ở đâu người ta trồng cây cho bóng mát ngay trên đường nhựa như ở Bali này.

cayxanh-dongxanh-2
Ngoạn cảnh ruộng bậc thang đến mệt thì vào các kiosque tranh tre nghỉ chân, trà nước.

Cây được trồng sát lề đường, không phải giữa đường nhựa, che mát cả đôi bên, lại ưu tiên không gian cho người đi bộ trên lề thoáng đãng thẳng thớm. Từng tìm hiểu, tôi biết không dễ để chọn loại cây trồng cho bóng râm nhiều, lá nhỏ, rụng ít, dễ trôi để không làm nghẽn cống rãnh khi mưa lũ… và nhất là có bộ rễ không “phá đường”. Ở đây, họ đã làm được.

Tuy anh Ramny, cư dân Ubud, nói với tôi “Trồng như vậy để ưu tiên phần lề đường cho người đi bộ”, nhưng tôi nghĩ khác. Bởi nhớ quê nhà những ngày qua có bao nhiêu tai nạn kinh hoàng ập xuống những người dù đang ngồi trong quán, ở trong nhà vẫn bị “xe điên” từ đường lao lên đâm phải. Nếu như ở đây có chiếc xe nào lạc tay lái, những hàng cây trên đường nhựa, ven lề trồng khá ken này có thể sẽ giảm biết bao chuyện thương tâm. Có thể là chủ quan, nhưng nhìn những hàng cây ven đường Bali, nhớ những con phố quê nhà ngày thưa dần bóng xanh, đó là suy nghĩ đầu tiên lùa vào trong tôi.

Khi có bạn hỏi, tôi thường trả lời “Tôi yêu Bali vì những màu xanh”.

Theo dulichhoanmy